Bản đồ quy hoạch Thành phố Thủ Dầu Một
Thành phố Thủ Dầu Một là trung tâm kinh tế, hành chính của tỉnh Bình Dương. Nơi đây từng là điểm đến sôi động bậc nhất trước khi hai thành phố mới là Thuận An và Dĩ An ra đời. Theo quy hoạch Bình Dương đến năm 2020, thành phố này vẫn được xác định là cầu nối liên kết, thúc đẩy phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội của tỉnh.
Nếu như quy hoạch Bàu Bàng hay một số huyện phụ cận khác trong tỉnh nhắm đến mục tiêu tận dụng quỹ đất lớn để khuyến khích những dự án khu dân cư, tăng khả năng đồng bộ diện mạo thì Thành phố Thủ Dầu Một lại khá chú trọng vào việc phân vùng không gian. Ở mỗi khu vực đô thị sẽ có những tính chất, đặc điểm phù hợp với những phương án quy hoạch khác nhau.
Quy hoạch không gian đô thị Thành phố Thủ Dầu Một
Theo quyết định điều chỉnh đồ án quy hoạch chung đô thị Thủ Dầu Một mới được Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Cung ký phê duyệt, trong tương lai, thành phố sẽ chia thành 3 khu vực chính.
- Khu vực phía Nam Thủ Dầu Một: gồm các phường Phú Cường, Hiệp Thành, Phú Hòa, Phú Lợi, Phú Thọ, Chánh Nghĩa. Đây sẽ là khu vực dịch vụ, kinh doanh tài chính, thương mại cấp tỉnh và là trung tâm chính trị hành chính của thành phố, gồm đầy đủ các công trình dịch vụ đô thị tương đương cấp quận.
- Khu vực Đông – Bắc Thủ Dầu Một: Bao gồm các phường Hòa Phú, Phú Tân, Phú Mỹ và một phần xã Tân Vĩnh Hiệp (Tân Uyên). Trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế và công nghiệp của tỉnh, phát triển đô thị đa chức năng, các khu dân cư gắn với khu công nghiệp.
- Khu vực phía Tây Thủ Dầu Một: phát triển dịch vụ du lịch sinh thái, gồm các phường: Định Hòa, Hiệp An và các xã Chánh Mỹ, Tương Bình Hiệp, Tân An và một phần xã Tân Định (Bến Cát).
Các chỉ tiêu về hạ tầng và xây dựng
Theo định hướng phát triển nhà ở thì diện tích bình quân giai đoạn 2020 đến 2030 sẽ đạt mức trên 25m2/sàn/người.
- Đối với nhà ở tại các phường thuộc phía Nam: được nâng cấp theo dạng ô phố, cấy ghép một số mô hình tiên tiến dạng Căn hộ cao tầng như Becamex Center, Căn hộ Chợ Đình…
- Nhà ở khu vực phía Bắc chủ yếu phát triển dạng nhà vườn thấp tầng,
- Nhà ở phía Tây chủ yếu phát triển nhà vườn.
- Khu vực phía Đông sẽ định hướng phát triển nhà ở cao cấp hiện đại, ưu tiên cho Căn hộ cao tầng kết hợp dịch vụ thương mại.
Đối với hệ thống giáo dục, quy hoạch Thủ Dầu Một định hướng:
- Xây dựng các trường đại học tiên tiến, hiện đại ở khu vực phường Phú Tân,
- Nâng cấp và mở rộng các trường Đại học Bình Dương, Đại học Bán công, Đại học Kinh tế – Kỹ thuật…
- Chuyển Đại học Thủ Dầu Một đến địa điểm mới thuộc xã Thới Hòa, huyện Bến Cát.
- Hệ thống trường THPT, nhà trẻ, mẫu giáo, tiểu học cũng được nâng cấp, xây dựng mới để đáp ứng nhu cầu.
Quy hoạch giao thông Thành phố Thủ Dầu Một
Về đường bộ
- Phát huy thế mạnh kết nối của đại lộ Bình Dương với quốc lộ 13,
- Xây dựng thêm tuyến đường trên cao để tăng năng lực lưu thông.
- Đường Mỹ Phước – Tân Vạn nối từ Bàu Bàng (Bến Cát) đi qua Thủ Dầu Một theo hướng Bắc – Nam, là trục đường chính trong tương lai để vận chuyển hàng hóa từ các khu công nghiệp phía Bắc về cảng Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu.
- Đường vành đai 3 trùng với đường Mỹ Phước – Tân Vạn đoạn phía Nam đến ngã tư Bình Chuẩn và đi theo hướng Đông – Tây qua phía Nam của Thủ Dầu Một, rút ngắn khoảng cách từ Bình Dương đến TP.HCM, Đồng Nai, Long An…
Về đường thủy
- Cải tạo, nâng cấp cảng Bà Lụa trên sông Sài Gòn thành cảng phục vụ du lịch và các ghe tàu tải trọng nhỏ.
- Phát triển hệ thống taxi nước với cụm bến tại khu vực chợ Thủ Dầu Một, khu Đại Nam…
Về đường sắt
- Tuyến xuyên Á với 2 trạm xe lửa tại khu vực đô thị Thủ Dầu Một là trạm Bình Chuẩn và trạm Phú Tân; nâng cao năng lực vận chuyển hàng hóa, hành khách từ Bình Dương đến các tỉnh, thành khác và ngược lại.