Quy định về nhà trẻ trong Căn hộ
Nhà trẻ là một công trình tiện ích không thể thiếu trong Căn hộ hiện nay. Việc quy định xây dựng nhà trẻ trong khu có rất nhiều thủ tục.
Quy đinh chung của pháp luật về xây dựng nhà trẻ trong Căn hộ
Đối với việc bố trí nhà giữ trẻ tại các tầng 1,2,3. Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 06:2010/BXD về An toàn cháy cho nhà và công trình quy định tại Bảng H4 – số tầng cao nhất của công trình nhà trẻ mẫu giáo là 3 tầng đối với nhà có bậc chịu lửa I, II (tầng 3 chỉ được bố trí các cháu lớp lớn).
Do vậy, trường hợp chủ đầu tư bố trí các lớp học tại tầng 1,2,3 trong công trình, phải đảm bảo tuân thủ các quy định tại Bảng H4 (QCVN 06:2010/BXD), đồng thời đáp ứng các tiêu chí của Bộ Giáo dục và đào tạo về trang thiết bị cơ sở vật chất để đảm bảo điều kiện chăm sóc, học tập, vận động thể chất của độ tuổi mầm non; đáp ứng điều kiện vệ sinh học đường của Bộ Y tế và các quy định pháp luật khác có liên quan.
Việc bố trí lớp học mầm non trong công trình phải có giải pháp lối đi riêng hoặc phải có lối thoát trực tiếp vào thang thoát nạn.
Việc bố trí các lớp học mầm non tại các tầng trên của công trình phải thiết kế giải pháp phòng cháy chữa cháy, thoát nạn và cứu hộ được Bộ Công an thẩm duyệt theo quy định của pháp luật.
Quy định về mở nhà trẻ trong khu dân cư, Căn hộ
Đầu tư vào nhà trẻ tư thục, hoặc cơ sở trông giữ trẻ nhỏ đều đòi hỏi kế hoạch cụ thể về vốn, địa điểm, nhân lực và pháp lý. Tối thiểu 500 triệu, trên 100m2 sàn, gần (hoặc lọt thỏm) khu đông dân cư, giáo viên mầm non (hoặc có bằng sư phạm và chứng chỉ mầm non), thực hiện thủ tục đăng ký theo QĐ số 41/2008/ QĐ/BGD – ĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, chủ cơ sở nhà trẻ tư nhân phải được đăng ký kinh doanh một trong những loại hình doanh nghiệp được quy định tại Luật Doanh nghiệp, nghĩa là trước khi mở nhà trẻ, phải tiến hành thủ tục đăng ký kinh doanh để có tư cách pháp nhân trước khi tiến hành thủ tục xin phép.
Việc thành lập cơ sở mầm non phải được đăng ký và xin phép UBND cấp huyện, hồ sơ gồm:
– Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh với các loại hình khác;
– Tờ trình đề nghị cho phép thành lập nhà trường, nhà trẻ tư thục của tổ chức hoặc cá nhân đứng tên xin phép thành lập trường;
– Đề án thành lập nhà trường, nhà trẻ tư thục;
– Văn bản xác nhận của cấp có thẩm quyền về khả năng tài chính, cơ sở vật chất, đáp ứng yêu cầu hoạt động của nhà trường, nhà trẻ. Có văn bản phù hợp với pháp luật hiện hành xác định nguồn gốc đất hoặc chủ trương giao đất hay hợp đồng nguyên tắc cho thuê đất, thuê nhà làm trụ sở xây dựng nhà trường, nhà trẻ tư thục với thời hạn dự kiến thuê tối thiểu 5 (năm) năm;
– Bản dự thảo quy hoạch tổng thể mặt bằng và thiết kế sơ bộ các công trình kiến trúc xây dựng trên khu đất xây dựng nhà trường, nhà trẻ tư thục hoặc thiết kế các công trình kiến trúc (nếu đã có trường sở), bảo đảm phù hợp với quy mô giáo dục và tiêu chuẩn diện tích sử dụng phục vụ việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ.
– Sau khi được phép thành lập, cơ sở mầm non phải xin giấy phép hoạt động giáo dục tại Phòng Giáo dục và Đào tạo với hồ sơ gồm:
– Bản sao chứng thực Quyết định cho phép thành lập nhà trường, nhà trẻ tư thục;
– Tờ trình đề nghị cho phép nhà trường, nhà trẻ tư thục hoạt động giáo dục;
– Báo cáo chi tiết về tình hình triển khai Đề án đầu tư thành lập nhà trường, nhà trẻ tư thục.
– Danh sách kèm theo lý lịch, bản sao văn bằng, chứng chỉ hợp lệ của Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, chủ đầu tư và người dự kiến làm Hiệu trưởng, phó Hiệu trưởng, Trưởng các phòng, ban, tổ chuyên môn, hợp đồng làm việc đã được ký giữa nhà trường, nhà trẻ tư thục với từng cán bộ quản lý; danh sách kèm hồ sơ lý lịch, bản sao văn bằng, chứng chỉ hợp lệ của giáo viên, nhân viên, bản cam kết thực hiện nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục và bảo đảm an toàn cho trẻ em, hợp đồng làm việc đã được ký giữa nhà trường, nhà trẻ với từng giáo viên;
– Quy chế tổ chức, hoạt động và chi tiêu nội bộ của nhà trường, nhà trẻ tư thục; bản cam kết bảo đảm an toàn và thực hiện nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
– Chương trình giáo dục mầm non, tài liệu phục vụ cho việc thực hiện chương trình giáo dục mầm non;
– Danh mục số lượng phòng học, phòng làm việc, cơ sở vật chất, thiết bị đáp ứng các điều kiện theo quy định;
– Văn bản pháp lý xác nhận quyền sử dụng đất hoặc hợp đồng thuê trụ sở nhà trường, nhà trẻ tư thục với thời hạn tối thiểu 5 (năm) năm;
– Các văn bản pháp lý xác nhận về số tiền hiện có do nhà trường, nhà trẻ tư thục đang quản lý, bảo đảm tính hợp pháp và cam kết sẽ chỉ sử dụng để đầu tư xây dựng và chi phí cho các hoạt động thường xuyên của nhà trường, nhà trẻ sau khi được cấp có thẩm quyền cho phép hoạt động giáo dục; phương án huy động vốn và cân đối vốn tiếp theo để bảo đảm duy trì ổn định hoạt động của nhà trường, nhà trẻ trong giai đoạn 5 (năm) năm, bắt đầu từ khi nhà trường, nhà trẻ tư thục được tuyển sinh;
– Hồ sơ phải được điều chỉnh theo quy định của pháp luật khi chuyển nhượng, sang tên hoặc chuyển địa điểm.