Hạ tầng bứt phá, Thị trường căn hộ Bình Dương đón sóng mới
Bình Dương đầu tư nâng cấp và phát triển hàng loạt các công trình giao thông trọng điểm như: Quốc lộ 13, vành đai 3, đường 743A, 743B, 743C tại Thuận An trong 2 năm tới.
Dự án cải tạo, mở rộng quốc lộ 13 sẽ thực hiện từ năm 2019-2022. Sau khi hoàn thành, dự án sẽ sử dụng 1 – 2 trạm thu phí phục vụ trên từng nhóm phương tiện để thu hồi vốn đầu tư và mức tăng phí hàng năm không vượt quá theo quy định của Bộ Tài chính.
Theo dự án, quốc lộ 13 đoạn từ cổng chào Vĩnh Phú (Km1+315, TX.Thuận An) đến điểm giao với đường Lê Hồng Phong (Km15+018,28, TP.Thủ Dầu Một). Theo đó, dự án sẽ mở rộng về bên phải thêm 2 làn xe (sau khi mở rộng là 8 làn xe) và đầu tư vỉa hè, cây xanh thoát nước đồng bộ; đầu tư cầu vượt qua các giao lộ ngã tư Bình Hòa và Hữu Nghị, quy mô 4 làn xe, các nút giao khác nghiên cứu mở rộng để tăng khả năng thông hành. Cùng với đó, dự án sẽ đầu tư hệ thống thoát nước dọc, kết hợp chiếu sáng hai bên đường đoạn từ TX.Bến Cát đến huyện Bàu Bàng (cầu Tham Rớt).
Nằm ở cửa ngõ Đông Bắc TP HCM, kết nối các tỉnh Đông Nam Bộ, Bình Phước và Tây Nguyên, Quốc lộ 13 (QL13) là trục xương sống giao thông trong tổng thể kinh tế – xã hội tỉnh Bình Dương. Nhưng nhiều năm gần đây, tuyến đường này luôn quá tải, hạ tầng không đáp ứng đà phát triển nhanh của vùng.
Dự án không chỉ đáp ứng nhu cầu vận tải, giải tỏa áp lực giao thông mà còn mở ra cánh cửa để Bình Dương phát triển cả về kinh tế, xã hội. Cư dân những đô thị mới của tỉnh như TP. Thuận An, TP. Dĩ An vào TP HCM thông qua QL13 chỉ còn khoảng 20-30 phút, ngang tầm quận 9, Thủ Đức vào trung tâm TP HCM.
Quốc lộ 13 luôn trong tình trạng quá tải và chờ chủ trương đầu tư mở rộng để góp phần tạo động lực đưa Bình Dương phát triển mạnh. (Ảnh: internet)
Không chỉ riêng QL13, cư dân Bình Dương còn hưởng lợi từ những hệ thống giao thông kết nối vùng đã và đang triển khai hoặc có kế hoạch thực hiện. Có thể kể ra như đường Vành đai 4, đại lộ Mỹ Phước – Tân Vạn – Nhơn Trạch, ĐT 747 mở rộng; xa hơn còn có cao tốc TP HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành, metro Bình Dương – Uyên Hưng – Tân Thành, dự kiến triển khai tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên – Dĩ An. Những lợi thế này tạo sự gắn kết kinh tế, lưu thông hàng hóa giữa TP HCM – Bình Dương – Đồng Nai, giúp vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có cơ hội phát triển vượt bậc.
Hạ tầng bứt phá, Thị trường căn hộ Bình Dương đón sóng mới
Kinh tế phát triển lượng dân nhập cư đến tỉnh Bình Dương ngày một đông, nhất là người trong độ tuổi lao động. Hiện, dân số tỉnh có hơn 2,4 triệu người và 75% trong độ tuổi lao động. Trong đó, chuyên gia, kỹ sư nước ngoài khoảng 45.000 người và gần 1 triệu công nhân tay nghề cao. Chưa kể một lượng rất lớn lao động lựa chọn sống tại Bình Dương dù làm việc tại TP HCM khi hệ thống giao thông thuận tiện.
Những lợi thế sẵn có và tiềm năng phát triển của tỉnh đã mở ra nhiều cơ hội cho bất động sản Bình Dương, đồng thời tạo điều kiện để người dân có thể chọn lựa một nơi an cư với chi phí vừa phải, môi trường trong lành với các tiện ích hiện đại không thua kém TP HCM.